Marshall Vian Summers
vào January 1, 1989
Để hiểu được ý nghĩa và mục đích thật sự của các mối quan hệ của mình, bạn phải bắt đầu với mối quan hệ chính yếu nhất của mình. Đó là mối quan hệ cung cấp bối cảnh lớn hơn cho tất cả các mối quan hệ khác của bạn trong mọi cấp độ. Đó là mối quan hệ mà là khởi đầu của bạn và là nơi an nghỉ cuối cùng của bạn. Đó là mối quan hệ thiết lập mục đích của bạn khi ở trong thế giới, giá trị của sự phát triển và trưởng thành của bạn và định hướng và mục tiêu của mọi đóng góp của bạn trong cuộc sống. Đó là mối quan hệ thiết yếu nhất đối với phúc lợi của bạn và sự hiểu biết của bạn về bản thân và thế giới. Tuy nhiên đó là mối quan hệ mà bạn có thể ít chú tâm nhất. Đó là mối quan hệ mà bạn có thể ít quan tâm nhất. Thật ra, đó có thể không phải là mối quan hệ mà bạn đã từng nghĩ đến một cách nghiêm túc.
Đây là mối quan hệ của bạn với Chúa. Chúa là gì? Có thể nói rằng Chúa là tổng hợp của tất cả các mối quan hệ. Chúa là sự hoàn thành của tất cả các mối quan hệ. Đây là một định nghĩa có giá trị vì nó cho phép bạn trải nghiệm Chúa như một thế lực và quyền lực đang sống trong cuộc đời bạn thay vì một nguyên tắc tuyệt đối hoặc một Đấng vĩ đại và cao cả với thực tế hoàn toàn nằm ngoài tầm với và cuộc sống của bạn trong thế giới.
Trải nghiệm về Chúa có thể được tìm thấy trong bối cảnh của mọi mối quan hệ: mối quan hệ của bạn với chính mình, mối quan hệ của bạn với cơ thể của mình và tâm trí của mình, mối quan hệ của bạn với người khác, mối quan hệ của bạn với thiên nhiên và với các sinh vật khác trên thế giới, mối quan hệ của bạn với chính thế giới và mối quan hệ của bạn với Cộng Đồng Vĩ Đại của các thế giới trong vũ trụ xung quanh bạn.
Để tiếp cận mối quan hệ của bạn với Chúa, cần phải nói về mục đích của bạn trên thế giới. Vấn đề này phải được giải quyết rất trực tiếp vì mối quan hệ của bạn với Chúa chỉ ra rằng bạn đang ở đây trên thế giới cho một mục đích. Điều này phải được hiểu, và nó phải là tiền đề mà trên đó bất kỳ cuộc điều tra có giá trị nào về mối quan hệ của bạn với Chúa phải được thiết lập. Bạn có mối quan hệ với Chúa, và vì bạn đang ở trong thế giới, bạn đang ở đây cho một mục đích.
Ở đây Chúa phải được xem là rất vĩ đại và rất bao hàm, vượt xa trải nghiệm bình thường của việc ở trong thế giới và của các vấn đề và tương tác hàng ngày. Ở đây thay vì là một đối tượng hoặc một Đấng tách biệt, Chúa có thể được coi là bối cảnh cho toàn bộ trải nghiệm của bạn. Nói cách khác, Chúa là môi trường mà trong đó bạn vận hành. Đây là một môi trường tinh thần và tâm linh, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến môi trường vật lý của bạn. Tuy nhiên, Chúa còn hơn cả một môi trường. Chúa có một Tâm Trí, một Ý Muốn và một Mục Đích. Trong sự tổng thể của nó, điều này là không thể hiểu được đối với bạn lúc này, vì bạn không thể đứng tách khỏi Tâm Trí này, Ý Muốn này và Mục Đích này và có thể nhận ra ý nghĩa của chúng. Bạn chỉ có thể kết hợp với chúng, và mức độ bạn có thể kết hợp với chúng sẽ là mức độ bạn sẽ trải nghiệm thực tế của chúng, giá trị của chúng và sự cần thiết trực tiếp của chúng trong cuộc sống của bạn.
Mối quan hệ của bạn với Chúa phải nói về mục đích của bạn vì Chúa vĩ đại và thế giới thì nhỏ bé. Tại sao bạn lại ở trong thế giới nếu bạn có mối quan hệ với Chúa? Điều gì có thể đưa bạn đến một nơi mà xung đột và sự tách biệt dường như chiếm ưu thế đến vậy? Có phải bạn đã phạm tội với Chúa? Có phải Chúa đã đuổi bạn khỏi sự bình an và hoàn hảo của thực tại của Chúa? Bạn đang lưu vong à? Bạn là kẻ bị ruồng bỏ à? Bạn đã nổi loạn chống lại Chúa và tìm nơi ẩn náu trong một môi trường khác à? Đây là những câu hỏi rất cơ bản mà bất kỳ người nào bắt đầu suy nghĩ về thực tại của mình và giá trị cuộc đời mình cuối cùng cũng phải hỏi. Tuy nhiên, câu trả lời thật sự cho những câu hỏi này chỉ có thể được thỏa mãn thông qua việc hoàn thành mục đích của bạn ở đây. Chỉ khi đó bạn mới có thể nhìn thấy, trải nghiệm và biết được thực tại của Chúa và thực tại của thế giới. Nó thật sự rất đơn giản, nhưng bạn phải ở trong vị trí để nhìn thấy điều này. Bạn phải đạt đến điểm quan sát này, nếu không những gì đơn giản và hiển nhiên sẽ có vẻ xa vời và khó hiểu đối với bạn.
Trọng tâm ở đây là bạn phải đạt đến điểm quan sát nơi bạn có thể thấy rõ mối quan hệ của mình với Chúa và với chính mình khi bạn đang ở trong thế giới. Từ điểm quan sát này, bạn sẽ có thể thấy được mối quan hệ của mọi thứ. Giống như việc leo một ngọn núi lớn, bạn phải đạt đến một vị trí nhất định nơi mối quan hệ của ngọn núi đó với mọi thứ xung quanh nó trở nên hiển nhiên. Từ điểm quan sát này, bạn sẽ thấy được lý do tại sao trước đây bạn không thể hiểu được ý nghĩa tổng thể của sự tồn tại của mình. Trước đây, bạn đã bị cuốn vào một giai đoạn phát triển nhất định và tất cả những gì bạn có thể thấy chỉ là giai đoạn phát triển đó. Tuy nhiên, khi bạn nhìn xuống từ ngọn núi và thấy con đường mòn xa bên dưới, thì bạn sẽ nói, “Vâng, từ điểm quan sát đó, tôi chỉ có thể thấy được con đường mòn và hoàn cảnh trước mắt của mình.” Có lẽ trên con đường mòn đó, bạn đã hoàn toàn mất dấu ngọn núi và đỉnh của nó. Tuy nhiên khi bạn đạt đến điểm quan sát cao hơn này, góc nhìn của bạn sẽ trọn vẹn hơn. Do đó, để trả lời những câu hỏi cơ bản của cuộc sống, bạn phải đạt đến điểm quan sát nơi câu trả lời là hiển nhiên.
Trong cuộc sống, Chúa thường là mối quan hệ cuối cùng được cân nhắc nghiêm túc. Khi ý nghĩa, mục đích và giá trị chân thật thì không hiển nhiên, mọi người gán giá trị cho các mối quan hệ của họ dựa trên nhu cầu, ưu tiên và sự hiểu biết trước mắt của họ. Đây là cách những thứ thay thế cho ý nghĩa, mục đích và giá trị chân thật được thiết lập. Điều này khiến hầu hết mọi người rất khó có thể hiểu được ý nghĩa, mục đích và giá trị chân thật của các mối quan hệ của chính mình. Vì khi không có sự thật, chỉ có thể có những thứ thay thế cho sự thật. Sự phát triển tâm linh đích thực thì liên quan đến việc vượt qua hoặc đặt sang bên những thứ thay thế cho sự thật để chính sự thật có thể được tiếp cận, hiểu, chấp nhận và chào đón.
Mối quan hệ của bạn với Chúa là gì? Chúa là ai đối với bạn? Bạn là ai đối với Chúa? Những câu hỏi này quan trọng, nhưng hiện tại bạn chỉ ở trong vị thế để chúng được trả lời một phần. Tuy nhiên, câu trả lời một phần này sẽ trao cho bạn những gì bạn cần để tiến bước với sự chắc chắn và sức mạnh. Nó sẽ cung cấp các tiêu chí mà từ đó bạn có thể sắp xếp các mối quan hệ của mình theo cách để chúng được ban phước và được ghi nhận trong việc phục vụ cho mục đích cao cả của bạn ở đây.
Bạn đã đi từ một nơi mà Chúa là có thật đến một nơi mà Chúa có vẻ như không có thật. Bạn đã đi từ một trạng thái tâm trí nơi sự sống lan tỏa và vốn có đến một nơi mà sự sống có vẻ như tách biệt và kỳ lạ. Bạn đã đi từ một nơi bình an và hòa hợp đến một nơi xung đột và bất hòa. Bạn đã đi từ một nơi chấp nhận hoàn toàn đến một nơi tác biệt, cạnh tranh, tấn công vân vân.
Vậy thì làm sao bạn có thể có mối quan hệ với Chúa khi bạn đang ở một nơi gọi là thế giới? Đây là một trong những nghịch lý vĩ đại của cuộc sống, một nghịch lý ngăn cản nhiều người chấp nhận và hiểu được thực tế của mối quan hệ chính yếu nhất của họ. Vì làm sao Chúa có thể thật sự tồn tại nếu thế giới thật sự tồn tại? Nếu Chúa đã tạo ra thế giới mà bạn thấy, thì Chúa hoặc là ngu ngốc, tàn nhẫn hoặc cực kỳ hạn chế về quyền năng và khả năng. Nếu Chúa ngu ngốc, thì Chúa đã phạm một sai lầm khủng khiếp. Nếu Chúa tàn nhẫn, thì Chúa muốn trừng phạt bạn vì lỗi lầm hoặc thiếu sót nào đó từ phía bạn. Nếu Chúa bị hạn chế, thì Chúa đang sử dụng thế giới để khẳng định sức mạnh và giá trị của chính Chúa. Việc Chúa nghi ngờ giá trị của chính Chúa sẽ là dấu hiệu của sự yếu đuối rõ ràng. Nếu bạn tin rằng Chúa đã tạo ra thế giới mà bạn thấy, thì khi đó bạn phải cho rằng, hoặc cuối cùng kết luận, rằng Chúa hoặc là ngu ngốc, tàn nhẫn hoặc cực kỳ hạn chế về quyền năng.
Với điều này, Chúa chắc chắn là thứ bạn không thể tin tưởng, trao phó bản thân hoặc đồng nhất hoàn toàn. Vì nếu Chúa ngu ngốc, thì bạn sẽ chia sẻ lỗi lầm của Chúa và sẽ phải trả giá cho nó. Nếu Chúa tàn nhẫn, thì Chúa sẽ trừng phạt bạn. Và nếu quyền năng của Chúa bị hạn chế, thì bạn sẽ không tin vào việc quyền năng đó phục vụ bạn và thế giới theo cách có lợi. Đây là những câu hỏi thần học cơ bản, nhưng như bạn sẽ thấy, chúng là thiết yếu trong việc xác định cảm nhận của bạn về việc bạn là ai và tại sao bạn đang ở đây.
Tuy nhiên, nếu Chúa đã không tạo ra thế giới mà bạn thấy, vậy thì ai đã tạo ra? Nếu thực tại của Chúa không được hỗ trợ bởi thế giới bạn thấy và nếu tâm trí của Chúa không được phản ánh bởi thế giới mà bạn trải nghiệm, thì làm sao thế giới mà bạn trải nghiệm có thể xuất hiện? Nó thật sự có tồn tại không? Bởi vì nếu Chúa đã không tạo ra thứ gì đó, làm sao nó có thể là có thật nếu Chúa là tác giả, nguồn gốc và ý nghĩa của sự sống?
Để bạn có thể trải nghiệm mối quan hệ của mình với Chúa, bạn phải nhận ra rằng bạn đã đến từ một nơi của thực tại để thiết lập thực tại đó ở một nơi mà nó đã bị lãng quên và phủ nhận. Đây là mục đích của bạn. Chúa đã ban cho bạn Tri Thức, quyền lực tâm linh của bạn, để hoàn thành nhiệm vụ này. Nói theo cách khác, bạn đã đến từ Quê Hương Cổ Đại của mình đến một nơi mà bạn xa Nhà để thiết lập Quê Hương Cổ Đại của mình ở đây.
Vậy thì điều này có nghĩa là bạn phải thiết lập Thiên Đàng trên Trái Đất à? Chỉ một phần. Trái Đất không thể là Thiên Đàng. Tuy nhiên bạn có thể trải nghiệm Thiên Đàng khi bạn ở trong thế giới. Thế giới sẽ tiếp tục là một nơi vật chất—một nơi phát triển, thay đổi và suy tàn, nơi của những hoàn cảnh thay đổi và các thế lực đối lập. Ở đây bạn không cần phải trình bày sai về thế giới bằng cách tin rằng nó là Quê Hương Cổ Đại của bạn. Ở đây bạn không cần phải phớt lờ thực tế của thế giới để ủng hộ một ý tưởng tâm linh về thế giới. Vì thế giới sẽ tiếp tục là thế giới. Tuy nhiên trải nghiệm của bạn về nó có thể được biến đổi hoàn toàn. Và nó cần phải được biến đổi để bạn có thể tìm thấy sự viên mãn, hạnh phúc và đóng góp ở đây.
Chúng ta hãy khám phá thêm điều này. Bạn đã đi từ một nơi của thực tại tuyệt đối, nơi không có câu hỏi nào và câu trả lời được trải nghiệm đầy đủ, đến một nơi có vô số câu hỏi và không có câu trả lời rõ ràng nào và do đó, không có nền tảng nào cho trải nghiệm chân thật. Vì chỉ có thực tại mới có thể được trải nghiệm thật sự, và bất kỳ thứ thay thế nào cho thực tại cũng chỉ có thể được giải trí và tưởng tượng trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là lý do tại sao thế giới chỉ có thể được trải nghiệm trong một khoảng thời gian nhất định. Mọi thứ trong nó chỉ có thể được trải nghiệm trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là lý do tại sao khoảng thời gian của bạn trên thế giới bị hạn chế. Để bạn có thể trải nghiệm thế giới một cách vĩnh viễn, thế giới phải giống như Quê Hương Cổ Đại của bạn nơi bạn đã rời khỏi. Đây sẽ không phải là thế giới mà bạn hiện đang trải nghiệm. Đây sẽ không phải là thế giới mà bạn hiện đang chia sẻ với những người khác. Trên thực tế, nó sẽ không phải là thế giới chút nào.
Trọng tâm ở đây không phải để cố gắng biến thế giới trở nên hoàn hảo, mà để mang trải nghiệm của bạn về Quê Hương Cổ Đại của mình vào trong thế giới để sự tiến hóa của thế giới có thể được phục vụ và thúc đẩy. Theo cách này, bạn có thể trao đóng góp cụ thể của mình trong khi bạn ở đây để sự tách biệt giữa nơi này và Quê Hương Cổ Đại của bạn có thể được xóa bỏ.
Quê Hương Cổ Đại của bạn là nơi bạn sống; thế giới là nơi bạn đến để làm việc. Bạn đã đến thế giới để làm việc. Chúa đã gửi bạn và bạn đã gửi chính mình vì có Tri Thức hoàn hảo rằng bạn cần ở đây. Không phải như thể bạn và Chúa đã thỏa thuận, hay Chúa đã ép bạn làm điều gì đó mà bạn không muốn làm, hay bạn đã làm điều gì đó mà Chúa không muốn bạn làm. Trong Tri Thức không có sự bất đồng và không có các thế lực đối lập. Chỉ có những gì chân thật và sự chắc chắn về những gì phải được làm.
Do đó, bạn đã đi từ Quê Hương Cổ Đại của mình đến một nơi của công việc. Công việc của bạn trên thế giới nằm trong hai phạm vi. Một là việc chuyển đổi trải nghiệm của bạn về bản thân và các mối quan hệ của mình, và thứ hai là việc trao đóng góp cụ thể của bạn cho thế giới. Nếu không có điều đầu tiên, điều thứ hai sẽ không xảy ra, và trải nghiệm của bạn về mối quan hệ sẽ không được đưa vào sự hài hòa với chính cuộc sống. Bạn sẽ không thể nhận ra và trao đóng góp của mình hoàn toàn. Trên thực tế, đóng góp chưa được thực hiện của bạn sẽ là một gánh nặng và sức nặng lớn đối với bạn, một vấn đề chứ không phải là giải pháp. Lời dạy này về mối quan hệ và mục đích cao cả đang được trao cho bạn để bạn có thể khám phá ra đóng góp của mình và trao nó một cách hài hòa bằng cách nhận ra bản chất và mục đích thật sự của các mối quan hệ của bạn trên thế giới.
Mối quan hệ là cuộc sống. Mọi thứ đều là mối quan hệ. Nhìn theo cách này, bạn đang ở trong vị trí để xác định cách tốt nhất để bạn tiến triển. Bạn được trao quyền trên thế giới. Bạn được trao quyền lựa chọn, mặc dù các lựa chọn rất hạn chế. Sự hiểu biết này là hoàn toàn thiết yếu cho thành công ở đây. Nó trao cho bạn quyền lực để quản lý công việc của mình, nhưng nó trao cho Chúa quyền hạn lớn hơn trong cuộc sống của bạn để hướng dẫn bạn và chuẩn bị cho bạn. Quan điểm này giúp mối quan hệ của bạn với Chúa có ý nghĩa khi bạn đang ở trong thế giới.
Bạn trải nghiệm Chúa thông qua việc khám phá và thực hiện mục đích của mình cho việc ở đây. Nếu bạn không phục vụ mục đích mà bạn đã đến để làm, thì bạn sẽ vô cùng bối rối về mối quan hệ của mình với bản thân, với người khác, với thế giới và với Chúa.
Bạn đã đến thế giới vì bạn biết rằng bạn phải làm việc này. Chúa biết rằng bạn phải làm việc này vì thế giới là nơi mà công việc phải được thực hiện. Lý do thật sự của bạn khi đến thế giới là để tái lập trải nghiệm của bạn về Quê Hương Cổ Đại của mình ở đây và để trao tặng những món quà cụ thể mà bạn được gửi đến để đóng góp.
Mối quan hệ của bạn với Chúa không thể được hiểu bằng trí tuệ. Nó phải được trải nghiệm. Việc phát triển trải nghiệm này phụ thuộc vào mong muốn của bạn về nó và năng lực của bạn về nó. Mong muốn và năng lực. Những điều này quyết định phạm vi trải nghiệm của bạn trong mối quan hệ của mình với mọi người và mọi thứ. Trên thực tế, hai tiêu chí này quyết định phạm vi trải nghiệm của bạn, chấm hết. Do đó, việc vun đắp và nuôi dưỡng mong muốn của bạn về Tri Thức và mở rộng năng lực của bạn về Tri Thức là những gì sẽ giúp bạn phát triển và tiến bộ.
Để bắt đầu nhìn vào mối quan hệ của bạn với Chúa, trước tiên bạn phải trở nên rất trung thực về cách bạn nhìn nhận Chúa tại thời điểm này. Không đủ để chỉ tin rằng bạn yêu Chúa hoặc Chúa yêu bạn. Vì đây chỉ là hy vọng và chưa được dựa trên sự chắc chắn và niềm tin. Như vậy, nó đơn giản che giấu sự ngờ vực, không chắc chắn, né tránh và cảm giác tội lỗi của bạn. Nó che giấu thứ mà bạn cần khám phá để mối quan hệ của bạn với Chúa trở nên thực tế, lành mạnh và sống động.
Bây giờ cần thiết để bạn suy nghĩ về mối quan hệ của mình với Chúa. Hãy tự hỏi: “Tôi có yêu Chúa không? Tôi có tin cậy Chúa không? Chúa có yêu tôi không? Chúa có tin cậy tôi không? Chúa có đáng để yêu và đáng tin không? Tôi có đáng để yêu và đáng tin không? Tôi có xứng đáng có Chúa không? Chúa có xứng đáng có tôi không? Tôi có đã đổ lỗi cho Chúa về những gì đã xảy ra trong cuộc đời tôi không?” Việc xem xét này sẽ bắt đầu giúp bạn hiểu cách bạn liên hệ với người khác và khả năng của bạn để ở trong mối quan hệ thân mật với bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì.
Trải nghiệm thân mật của bạn với bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì trực tiếp phản ánh mong muốn và năng lực của bạn để trải nghiệm Chúa. Vì sự thân mật đích thực là gì nếu không phải là khả năng trải nghiệm sự gắn kết? Sự gắn kết là gì nếu không phải là khả năng kết nối cuộc sống và tâm trí của bạn với người khác? Sự thành công của bạn trong hôn nhân, trong công việc kinh doanh và trong việc duy trì sức khỏe cá nhân của mình đều liên quan trực tiếp đến trải nghiệm của bạn về Chúa. Bạn không thể tiến xa với bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì hơn bạn có thể tiến xa với Chúa. Nếu trải nghiệm của bạn về Chúa bị che giấu bởi lý tưởng hoặc suy nghĩ hão huyền, thì các mối quan hệ của bạn với người khác và với thế giới cũng sẽ như vậy. Nếu niềm tin của bạn vào Chúa là một phần hoặc không tồn tại, thì niềm tin của bạn vào người khác và niềm tin của bạn vào cuộc sống cũng sẽ như vậy. Nếu tình cảm của bạn dành cho Chúa bị hạn chế bởi sự lên án của bạn đối với thế giới, thì tình cảm của bạn đối với người khác sẽ bị hạn chế bởi sự lên án của bạn đối với hành vi của họ. Đây là lý do tại sao bạn phải cân nhắc mối quan hệ của mình với Chúa trước khi bạn cân nhắc bất kỳ mối quan hệ nào khác.
Chúa là mối quan hệ chính của bạn. Nhiều người nghĩ rằng mối quan hệ chính của họ là với bản thân, nhưng làm sao bạn có thể có mối quan hệ với bản thân ngoại trừ khi bạn đã bị tách rời khỏi chính mình rồi? Một mối quan hệ phải giả định rằng có ít nhất hai bên tham gia, nếu không thì ý tưởng về mối quan hệ là vô nghĩa. Nếu bạn là một người với một tâm trí, một mục tiêu và một định hướng, thì sẽ không có giá trị gì trong việc cân nhắc có mối quan hệ với chính mình. Vì ai đang trong mối quan hệ? Có sự khác biệt gì giữa người quan sát và chính bạn? Bởi vì có mối quan hệ, nên có ít nhất hai khía cạnh. Nếu bạn có mối quan hệ với chính mình, thì bạn đã bị tách rời khỏi chính mình rồi. Có bạn và sau đó có bản thân bạn. Vậy thì ai là bạn, người không phải là bản thân bạn? Và ai là bản thể không phải là bạn?
Do đó, bạn cần phải chấp nhận rằng bạn bị tách biệt khỏi chính mình, rằng bạn bị tách biệt khỏi người khác và rằng bạn bị tách biệt khỏi Chúa. Điều này một phần là bởi giai đoạn phát triển của chính bạn trong quá trình tiến hóa của bạn, và một phần là bởi tình trạng của thế giới, mà đòi hỏi bạn phải là một cá nhân riêng biệt với một ý thức riêng biệt và một loạt các giá trị riêng biệt và vân vân.
Vì vậy, đừng nghĩ rằng mối quan hệ của bạn với bản thân là mối quan hệ chính của bạn vì nếu không có mối quan hệ với Chúa, bạn sẽ không có cơ sở thật sự nào để hiểu được chính mình. Bạn chỉ đơn giản thích bản thân khi bạn dễ mến và không thích bản thân mình khi bạn không dễ mến. Bạn sẽ tin tưởng bản thân khi bạn đáng tin cậy và không tin tưởng bản thân khi bạn không đáng tin cậy. Đánh giá của bạn về bản thân sẽ hoàn toàn dựa trên các ý tưởng của bạn. Khi đó, ý tưởng của bạn sẽ là tiêu chí cho mối quan hệ hơn cả hành vi của bạn vì bạn chỉ có thể xác định hành vi của mình bằng ý tưởng của mình hoặc bằng kết luận của mình, mà cũng là ý tưởng.
Trên thực tế, toàn bộ đánh giá của bạn về mối quan hệ của mình với bản thân, với người khác và với thế giới đều dựa trên ý tưởng. Nhưng mối quan hệ của bạn với Chúa thì không dựa trên ý tưởng. Nó được dựa trên trải nghiệm về sự gắn kết và mục đích. Bạn có mục đích cho việc ở trong thế giới. Chúa muốn bạn làm việc gì đó. Đó là ý muốn của bạn để làm việc gì đó. Khi nhận ra ý muốn thật sự của mình, bạn sẽ nhận ra ý muốn của Chúa dành cho bạn. Để hiểu được cách bạn có thể phục vụ Chúa, bạn phải nhận ra phạm vi quyền lực của mình và hiểu rằng phạm vi quyền lực của Chúa thì lớn hơn nhiều so với của bạn. Với sự hiểu biết này, bạn có thể bắt đầu nhận ra cách bạn có thể phục vụ Chúa và cách Chúa phục vụ bạn.
Đánh giá này đánh vào chính cốt lõi của ý tưởng về sự tách biệt, mà về cơ bản là sự cạnh tranh giành quyền lực. Đó là lý do tại sao lời giảng này về mối quan hệ và mục đích cao cả nói đến vấn đề quyền lực. Nhiều người quan tâm đến tâm linh đang xung đột về vấn đề quyền lực và thường không muốn thảo luận về nó chút nào. Họ muốn thảo luận về ý tưởng về tình yêu, hạnh phúc hoặc sự viên mãn và tránh vấn đề quyền lực. Tuy nhiên sự tách biệt của bạn khỏi bản thân, khỏi người khác và khỏi Chúa chủ yếu là vấn đề cạnh tranh giành quyền lực. Việc quyền lực cá nhân của bạn được kết hợp với quyền lực của Chúa hay bị tách biệt khỏi quyền lực của Chúa sẽ quyết định liệu bạn trải nghiệm tình yêu hay lòng căm thù, tin tưởng hay ngờ vực, kết hợp hay tách biệt trong mối quan hệ với bản thân bạn và người khác.
Bạn được lợi khi không thể chạm vào Chúa. Bạn được lợi khi Chúa không phải là một cơ thể hay một vật thể. Bạn phán xét các cơ thể và vật thể và có thể tách mình khỏi chúng. Tuy nhiên khó hơn nhiều để phán xét và tách mình khỏi Sự Hiện Diện của Chúa. Bạn có thể tiến đến hoặc tránh xa một cơ thể hoặc một vật thể, và bạn có thể phóng chiếu hình ảnh lên chúng. Cơ thể và vật thể luôn dễ phạm sai lầm và do đó bạn có thể lên án chúng vì sự yếu đuối hoặc không hoàn thiện của chúng. Cơ thể và vật thể hoặc dễ yêu thích hoặc không, tùy vào tiêu chí phán xét của bạn. Do đó, khó hơn để trải nghiệm sự gắn kết và mối quan hệ thật sự với một cơ thể hoặc một vật thể hơn là với Sự Hiện Diện. Khi bạn phóng chiếu hình ảnh hoặc phán đoán lên Sự Hiện Diện, thì chúng không có nơi nào để gắn kết.
Về bản chất, điều này có nghĩa là bạn có thể liên hệ với Chúa dễ dàng hơn nhiều so với việc bạn liên hệ với bản thân, với người khác, với các vật thể vật lý, với thế giới hoặc với vũ trụ. Bởi vì Chúa là Sự Hiện Diện, bạn có thể trải nghiệm sự gắn kết với Chúa ngay lập tức và trọn vẹn hơn nhiều.
Chúa đang ở đây, ở đó, ở khắp mọi nơi, bao bọc bạn, ôm ấp bạn và ban cho bạn mục đích, ý nghĩa và phương hướng. Bạn không cần phải phán xét Chúa chút nào vì Chúa không phải là một vật thể. Bạn hoặc chấp nhận Chúa hoặc không. Nếu bạn không chấp nhận Chúa, bạn phải tạo ra những thứ thay thế cho Chúa vì bạn phải có cảm nhận về mục đích, ý nghĩa và phương hướng để tồn tại trên thế giới. Nếu Chúa không phải là mục đích, ý nghĩa và phương hướng của bạn, thì bạn sẽ tạo ra những thứ thay thế của riêng mình. Khi đó bạn sẽ biến những thứ thay thế của mình thành thần của mình, và bạn phải yêu chúng và phục vụ chúng, vì bạn phải yêu và phục vụ thứ gì đó trong cuộc sống. Một số thứ thay thế này có vẻ vô hại, và một số rõ ràng đầy hủy diệt. Tuy nhiên chúng đều tước đi từ bạn mối quan hệ chân thật. Chúng đều tước đi từ bạn mục đích, ý nghĩa và phương hướng thật sự trong cuộc sống mình vì thứ thay thế không thể thật sự cung cấp những điều này. Thứ thay thế chỉ có thể thay thế chúng. Thứ thay thế không thể trao cho bạn những gì cuộc sống mang lại cho bạn. Thứ thay thế chỉ có thể bắt chước những gì cuộc sống mang lại cho bạn. Thứ thay thế chỉ có thể kích thích bạn tạm thời.
Đi thêm một bước, cuối cùng bạn chỉ có thể có mối quan hệ với Chúa hoặc với ý tưởng của mình vì mọi thứ thay thế đều phải là ý tưởng. Mặc dù bạn có thể dành cả cuộc đời để hỗ trợ những thứ thay thế này, củng cố chúng và cố gắng trải nghiệm lại chúng, nhưng về bản chất chúng chỉ là ý tưởng trong tâm trí bạn mà bạn gắn bó. Đó là lý do tại sao thứ quan trọng nhất và khó khăn nhất đối với mọi người để từ bỏ là ý tưởng của họ vì chính trên những ý tưởng đó mà họ xây dựng danh tính và cảm giác chắc chắn và ổn định của mình.
Để trải nghiệm mối quan hệ của bạn với Chúa, bạn phải bắt đầu gạt sang bên những thứ thay thế cho Chúa mà bạn đã tạo ra và bạn chia sẻ với người khác. Chúa là một trải nghiệm tinh khiết về mối quan hệ vì Chúa là một trải nghiệm tinh khiết về sự gắn kết. Đây là một trải nghiệm tinh khiết về quyền lực được chia sẻ. Đây là một trải nghiệm tinh khiết về trật tự uy quyền đúng trong cuộc đời bạn. Đây là một trải nghiệm tinh khiết về tình yêu và sự hoà nhập. Nếu mong muốn của bạn về mối quan hệ này được củng cố và nếu năng lực của bạn để trải nghiệm mối quan hệ này dần được mở rộng, thì bạn sẽ có thể trải nghiệm sự gắn kết này với Chúa trong các mối quan hệ có ý nghĩa của bạn với người khác và với thế giới.
Tuy nhiên nếu mối quan hệ của bạn với Chúa bị phủ nhận, dù là cố ý hay vô tình, thì bạn chỉ có thể ủng hộ những ý tưởng của mình. Ở đây bạn sẽ cố gắng sử dụng mối quan hệ của mình với bản thân và với người khác để làm việc này. Ở đây bạn sẽ cố gắng biến mối quan hệ của mình với bản thân và mối quan hệ của mình với người khác phù hợp với ý tưởng của mình. Điều này dẫn đến đau khổ và bất hòa, vì cuộc sống tồn tại mà không có ý tưởng của bạn và những người khác tồn tại mà không có ý tưởng của bạn. Nếu bạn cố gắng khiến người khác phù hợp với ý tưởng của mình, thì bạn sẽ cố gắng giam cầm họ và bạn sẽ trở thành tù nhân cùng với họ.
Ở đây bạn có lợi thế với Chúa, vì Chúa không có cơ thể. Chúa là bản chất và trải nghiệm tinh khiết. Bạn có thể trải nghiệm Chúa ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thật vậy, bất kỳ niềm vui chân thật nào bạn có được từ bất kỳ người nào, bất kỳ nơi nào hoặc bất kỳ vật thể nào đều là vì bạn đang trải nghiệm Chúa. Bạn có thể không nghĩ về điều này trong trải nghiệm đó, nhưng đây là điều thật sự đang xảy ra. Hạnh phúc đích thực luôn phản ánh trải nghiệm của bạn về mối quan hệ của bạn với Chúa.
Bạn không cần phải là người theo đạo hay thậm chí là có đạo để có thể trải nghiệm Chúa. Nếu bạn đang trải nghiệm sự đồng cảm, hòa nhập và hạnh phúc thật sự, thì bạn đang trải nghiệm Chúa. Ở đây bạn có thể không tin vào Chúa và bạn có thể không thuộc về một nhà thờ nào, nhưng bạn đang trải nghiệm Chúa ở mức độ nào đó. Bạn đang có một trải nghiệm tôn giáo. Mục đích của tất cả các tổ chức tôn giáo về cơ bản là để cung cấp một môi trường nơi bạn có thể trau dồi mong muốn của mình và năng lực của mình để trải nghiệm Chúa.
Nếu bạn có thể thấy rằng Chúa là một trải nghiệm chứ không chỉ là một ý tưởng hoành tráng, thì bạn sẽ có thể thấy được mối liên hệ giữa mối quan hệ của bạn với Chúa và mối quan hệ của bạn với người khác. Bạn sẽ thấy rằng mối quan hệ của bạn với Chúa cho phép bạn có mối quan hệ với người khác theo cách thật sự. Bạn sẽ thấy rằng sự cam kết của bạn với Chúa cho phép bạn cam kết với người khác. Bạn sẽ thấy rằng trải nghiệm của bạn về quyền lực chung với Chúa cho phép bạn chia sẻ quyền lực của mình với người khác. Bạn sẽ thấy rằng năng lực của bạn để trải nghiệm tình yêu của Chúa sẽ quyết định năng lực của bạn để trải nghiệm tình yêu với người khác.
Thật khôn ngoan vào lúc đầu rằng bạn quan tâm đến mối quan hệ của mình với Chúa. Tuy nhiên, bạn phải cho phép Chúa trở nên bí ẩn và vượt ra ngoài định nghĩa vì Sự Hiện Diện không thể được đưa vào hình dạng. Bạn không thể thật sự tôn kính thứ gì đó mà bạn đã định nghĩa. Bạn có thể thích và cảm kích thứ bạn đã định nghĩa, nhưng sự tôn kính phải luôn được dành cho điều gì đó vượt ra ngoài định nghĩa và bí ẩn. Bạn có thể tin tưởng và cống hiến bản thân cho thứ gì đó cụ thể, nhưng bạn sẽ không bao giờ thật sự tôn kính nó.
Nỗ lực định nghĩa Chúa là nỗ lực biến Chúa trở nên cụ thể. Đây là nỗ lực biến Chúa phù hợp với ý tưởng của bạn. Tuy nhiên nỗ lực này phá hủy khả năng của bạn để trải nghiệm mối quan hệ trực tiếp của mình với Chúa và với người khác. Mối quan hệ thật sự của bạn với Chúa mãi mãi nằm ngoài định nghĩa. Nó là bí ẩn. Mục tiêu cuối cùng của sự phát triển và tiến bộ tâm linh của bạn là để xây dựng mong muốn và năng lực để trải nghiệm mối quan hệ này.
Mối quan hệ của bạn với Chúa đã được thiết lập đầy đủ rồi. Bạn đang học cách khôi phục lại mối quan hệ này khi bạn đang ở trong thế giới. Điều này bao gồm việc khôi phục lại Tri Thức, mà chứa đựng trải nghiệm về mối quan hệ của bạn với Chúa.
Có hy vọng cho thế giới không? Chỉ khi có hy vọng cho bạn. Liệu thế giới sẽ trải nghiệm sự chữa lành? Chỉ khi bạn có thể trải nghiệm sự chữa lành. Sự chữa lành là gì nếu không phải là việc làm mới mối quan hệ chính yếu nhất của bạn? Không có sự chữa lành thật sự nào khác ngoài điều này.
Sự chữa lành chân thật là việc đưa hai thứ tách biệt vào mối quan hệ có ý nghĩa với nhau. Một mối quan hệ có ý nghĩa là một mối quan hệ có mục đích. Mọi người trên thế giới đều có mục đích, vì mọi người đang ở đây để làm việc gì đó. Thế giới là nơi để làm việc. Quê Hương Cổ Đại của bạn là nơi để tồn tại. Thế giới là nơi để làm việc vì nó là nơi của công việc. Công việc bao gồm việc hoàn thành nhiệm vụ. Quê Hương Cổ Đại của bạn là nơi vĩnh cữu; thế giới là nơi tạm thời. Quê Hương Cổ Đại của bạn là nơi bình an; thế giới là nơi của hành động.
Mối quan hệ của bạn với Chúa là điều cần được chữa lành, vì đó là xung đột chính trong cuộc sống của bạn. Sự tách biệt của bạn khỏi Chúa là nguồn gốc của mọi xung đột và khuyết tật của bạn. Tuy nhiên giải pháp cho xung đột cơ bản này sẽ diễn ra trong mối quan hệ của bạn với bản thân, với người khác và với thế giới. Nói cách khác, vấn đề của bạn là mối quan hệ của bạn với Chúa, nhưng giải pháp sẽ được thiết lập thông qua mối quan hệ của bạn với bản thân, với người khác và với thế giới. Sự chữa lành chân thật phải được thiết lập trong bối cảnh của ba phạm vi này. Quyền lực để bạn làm việc này thì được ban bởi Chúa.
Bởi vì Chúa không thể nhìn thấy được, nên dễ hơn để bạn trải nghiệm sự gắn kết với Chúa. Tuy nhiên nếu bạn coi mình chỉ là một vật thể, một cơ thể, thì bạn sẽ chỉ liên hệ với các vật thể và cơ thể khác. Tuy nhiên nếu bạn trải nghiệm bản thân như một phần của Sự Hiện Diện, thì bạn sẽ học cách nhận ra Sự Hiện Diện trong người khác. Đây là một phần của quá trình chữa lành.
Nền tảng của mọi mối quan hệ là mục đích. Ví dụ, bạn có mối quan hệ với quần áo bạn mặc vì chúng có mục đích. Bạn có mối quan hệ với ngôi nhà bạn sống vì nó có mục đích. Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng đó là một ý tưởng mang tính cách mạng một khi bạn bắt đầu đón nhận nó và thấy được ứng dụng của nó. Mọi người sử dụng mối quan hệ của họ với đồ vật và với người khác để thỏa mãn ảo tưởng và ý tưởng của họ về bản thân. Tuy nhiên đây không phải là một mục đích chân thật.
Mọi thứ bạn coi trọng, bạn coi trọng vì nó phục vụ một mục đích. Tuy nhiên với Chúa, bạn trải nghiệm sự gắn kết tinh khiết. Phạm vi mong muốn và năng lực của bạn để trải nghiệm sự gắn kết tinh khiết này sẽ hoàn toàn quyết định chất lượng của mối quan hệ của bạn và cuộc sống của bạn trên thế giới. Nếu không có trải nghiệm về sự gắn kết tinh khiết này, thì bạn sẽ tiếp tục cố gắng xác định trải nghiệm của mình thông qua việc thoả mãn ý tưởng của mình.
Khi xem xét mối quan hệ của bạn với Chúa, bạn không cần có câu trả lời, mà chỉ cần đặt câu hỏi. Bạn đặt câu hỏi để bạn có thể mở cánh cửa đến với nhận thức của chính bạn. Cuộc sống không phải là về việc có câu trả lời. Bạn đã có nhiều câu trả lời rồi, và chúng chưa đáp lại những nhu cầu sâu thẳm của bạn. Vì vậy việc có câu trả lời không thể là trọng tâm. Trải nghiệm phải là trọng tâm. Các mối quan hệ được chữa lành thông qua trải nghiệm. Mặc dù các ý tưởng có thể dẫn đến kiểu trải nghiệm này, nhưng bản thân chúng không phải là câu trả lời.
Do đó hãy suy nghĩ cẩn thận về những gì đã được trình bày cho đến nay trong chương mở đầu này. Các cánh cửa đã được mở ra, nhưng câu trả lời cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Để bạn trở thành người học, bạn không được bằng lòng với câu trả lời. Bạn phải tìm kiếm sự hiểu biết thật sự. Sự hiểu biết bao gồm cả sự hiểu biết về mặt trí tuệ và trải nghiệm về sự gắn kết hoặc việc biết. Ở đây việc biết là quan trọng nhất và sự hiểu biết về mặt trí tuệ là thứ yếu. Việc biết này kết nối lại bạn với Chúa và với mục đích lớn lao của bạn khi đến với thế giới. Ở đây bạn bắt đầu trải nghiệm Chúa trong bối cảnh mối quan hệ của bạn với bản thân, với người khác và với thế giới. Trên thực tế, bạn được gửi vào thế giới để làm việc này. Đó là lý do tại sao bạn đã vào thế giới với một mục đích. Đây là món quà của bạn cho thế giới và cho bản thân. Đây cũng là món quà của bạn cho Chúa.
Mối quan hệ của bạn với bản thân, với người khác và với thế giới là ba phạm vi nơi Chúa được trải nghiệm, mục đích của bạn được khám phá và sự đóng góp của bạn được thực hiện. Chính ba phạm vi này mà bây giờ bạn phải quan tâm. Đây là những phạm vi của sự viên mãn trên thế giới.